Design chính là quá trình thai nghén để có được một sản phẩm tốt và tồn tại lâu dài trong lòng công chúng.
Nhiều người cho rằng design là một cái gì đó cao cấp, sang trọng. Nhưng thực tế không phải vậy. Đây là một từ tiếng Anh được dùng vào thế kỷ 17 để chỉ bố cục của một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng nguồn gốc thật sự của design là từ tiếng La tinh: designare, vừa có nghĩa là vẽ, vừa có nghĩa là có một ý định. Theo thời gian, chữ design được sử dụng song hành với trào lưu của cuộc cách mạng công nghiệp.
Chữ design tự thân nó đã mang một ý nghĩa quốc nội, thể hiện quốc hồn quốc tuý của một quốc gia. Nếu như người Anh có những cabin điện thoại công cộng sơn màu đỏ, người Đức có các sản phẩm điện gia dụng Braun, thì người Pháp có chiếc nồi Le Creuset. Mỗi một sản phẩm này đều được xem là hình ảnh của đất nước và được cả thế giới biết đến. Vì thế, ở ngữ nghĩa chung nhất, từ design không bao giờ đại diện cho một cái gì gọi là cao sang mà bao gồm tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày, từ việc sử dụng chất liệu cho đến các công đoạn tạo dáng sản phẩm. Đây là một công việc phức tạp và đòi hỏi tính sáng tạo cao. Chuyên viên design Mario Bellini từng nói: Mãi đến ngày nay, thiết kế một chiếc ghế cũng khó khăn như xây một ngôi biệt thự vậy!.
Khi xuất bản bộ sách về design, giám đốc Emilia Terragni giải thích: Chúng ta ngày càng đòi hỏi cao hơn khi lựa chọn các sản phẩm trên thị trường, và đôi khi chọn sản phẩm chỉ vì yêu thích thương hiệu đó mà thôi. Từ đó có thể nghiệm ra rằng đằng sau một chiếc ghế, một chiếc đèn bàn, một chiếc đồng hồ đều ẩn chứa ý nghĩa chuyển tải rất súc tích và dấu ấn của cả một thời đại, một xã hội và một tâm hồn.
Như vậy, chuyên viên design gánh vác một trách nhiệm nặng nề. Họ có nhiệm vụ phải luôn tự vấn mình về ý nghĩa hữu dụng và giá trị tinh thần của một sản phẩm, sao cho sản phẩm đó phải có chất lượng tốt và thoả mãn được các tiêu chuẩn cơ bản nhất của thời đại mà nó được tạo ra. Nói tóm lại, Design chính là quá trình thai nghén để có được một sản phẩm tốt và tồn tại lâu dài trong lòng công chúng.
Theo L’Express
ShareDEC
2011