Trong kinh doanh, nhất là ở thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, câu nói “nhập gia tùy tục” càng đúng và quan trọng hơn bao giờ hết. Sang nước bạn làm ăn, bạn phải học hỏi từ việc nhỏ nhất như cách trao danh thiếp.
Quy tắc chung
Danh thiếp giao dịch trong kinh doanh là phương tiện để giới thiệu những thông tin cá nhân, thông tin liên lạc. Bạn hãy đảm bảo trên danh thiếp có đầy đủ các chi tiết, bố trí trình bày sao cho chuyên nghiệp, phù hợp với loại hình kinh doanh của công ty mình.
Nếu như công ty có giao dịch với nước ngoài, thì luôn nhớ phải có kèm theo song ngữ. Thông thường là tiếng Anh, nhưng cũng có thể là thứ tiếng của chính nước đối tác hoặc ngôn ngữ của công ty mẹ.
Nên trao danh thiếp vào thời gian mới bắt đầu hoặc cuối cuộc gặp gỡ, cuộc họp.
Khi đưa danh thiếp, nên đưa mặt ngôn ngữ của người nhận lên trên, để họ chỉ cần liếc qua là hiểu ngay. Đây là cách bạn thể hiện sự tôn trọng đối tác, không để họ lâm vào “thế bí”, cứ cầm danh thiếp lên mà “như nhìn bức vách”.
Ngoài ra, các quốc gia khác nhau cũng có cách trao danh thiếp khác nhau.
Trung Quốc
Một mặt của danh thiếp in chữ tiếng Trung với những kí tự đơn giản màu vàng, vì màu vàng là màu đặc trưng cho triển vọng và sự hứa hẹn.
Tiếng Trung là một thứ tiếng rất khó viết, vì vậy, tấm danh thiếp phải được kiểm tra vô cùng cẩn thận trước khi trao. Đôi khi chỉ cần một nét chấm đã làm thay đổi hoàn toàn nghĩa của từ.
Danh thiếp phải có chức danh của bạn. Nếu như công ty của bạn đã lâu đời hoặc có quy mô tầm cỡ quốc gia thì bạn cũng nên dành một vị trí trang trọng cho tên công ty mình.
Khi trao danh thiếp, đưa cả hai tay, và nhớ là không viết gì trên danh thiếp của ai đó, trừ khi được chính họ gợi ý.
Ấn Độ
Nếu như bạn có chứng chỉ trình độ học vấn gì, hoặc đạt được bất kỳ bằng cấp danh giá nào, thì cứ thoải mái trình bày trên danh thiếp.
Luôn dùng tay phải để đưa và nhận danh thiếp.
Không nhất thiết phải in danh thiếp bằng tiếng Ấn Độ bởi ở quốc gia này, tiếng Anh đã được sử dụng rộng rãi và phổ biến như ngôn ngữ mẹ đẻ.
Nhật Bản
Người Nhật rất coi trọng tấm danh thiếp nên họ đầu tư rất lớn vào chất lượng giấy in và mẫu mã của danh thiếp. Đối với người Nhật, cách bạn “cư xử” với tấm danh thiếp cũng là cách bạn đối xử với chủ nhân của nó. Vì thế, hãy thật thận trọng khi nhận danh thiếp của đối tác Nhật.
Khi trao danh thiếp của bạn cho họ, hãy đảm bảo rằng danh thiếp của bạn phải bao gồm cả chức danh, vị trí trong công ty.
Giơ hai tay khi nhận danh thiếp nhưng khi trao danh thiếp chỉ cần một tay.
Trong cuộc họp, đặt bưu thiếp trên bàn trước mặt bạn. Khi cuộc họp kết thúc, có thể kẹp bưu thiếp của bạn vào trong cặp giấy đựng tài liệu phát cho mọi người
Anh
Người Anh hay một số nước châu Âu không quá chú trọng, câu nệ vào nghệ thuật trao danh thiếp. Tuy nhiên, danh thiếp cần phải được giữ sạch sẽ và có đủ thông tin. Khi bạn gặp ai đó, việc đưa danh thiếp không phải là điều bắt buộc, vì chưa chắc người ta đã cần.
Việt Nam thì sao?
Ở nước ta, tấm danh thiếp thật muôn hình muôn vẻ. Không có một quy tắc cứng nhắc nào cho việc trao và nhận danh thiếp. Miễn bạn cần giới thiệu về mình với người khác một cách nhanh chóng và thuận tiện là bạn trao danh thiếp.
Chúng ta không quá câu nệ, khi cần, một doanh nhân tài ba sẵn sàng ngỏ lời xin danh thiếp của một cậu nhân viên “quèn” nhưng ẩn chứa nhiều năng lực.
Hình thức danh thiếp phụ thuộc nhiều vào loại hình kinh doanh của công ty cũng như sở thích cá nhân của người chủ tấm danh thiếp. Nhưng tựu chung lại, trên danh thiếp bao giờ cũng có đầy đủ tên, chức vị, thông tin liên lạc của người chủ danh thiếp; tên, địa chỉ và logo của công ty.
Với những công ty lớn, danh thiếp thường được in song ngữ Việt – Anh. Với những công ty nhỏ, mặt sau của danh thiếp thường là quảng cáo về loại hình kinh doanh của công ty.
Người Việt chúng ta thường cất danh thiếp trong ví. Bạn cũng có thể ghi thêm những thông tin liên quan đến đối tác trên tấm danh thiếp của họ.
Để tôn trọng đối tác, hãy trao và nhận danh thiếp hai tay. Đọc nó sau khi nhận chứ đừng đút luôn vào túi
ShareSEP
2013