Blog thiết kế in ấn

Lược sử ngành in vải hoa

Nói đến in vải hoa là chúng ta cùng một lúc đề cập đến nhiều ngành khác nhau. Để tạo được một sản phẩm in hoa ba ngành chính tham gia vào quá trình tạo sản phẩm là mỹ thuật, hóa nhuộm, in ấn. Mỗi sản phẩm in hoa đều mang đặc thù riêng của nó: tính thẩm mỹ trong họa tiết trang trí, tính cơ lý của chất liệu in, màu in.
Khi đề cập đến từng ngành tham gia tạo sản phẩm là đề cập đến nhiều vấn đề: lịch sử phát triển, hiện tại, tương lai của từng ngành.

Trên thế giới có rất nhiều bài viết nói về sự ra đời của vải in hoa, trong các bài viết đó người viết đánh giá và nhìn nhận vấn đề có những điểm chưa đồng nhất, song những cái chung là trang trí vải hoa ra đời và gắn liền với sự phát triển của các ngành như in ấn, hóa nhuộm.

Theo tài liệu nước ngoài thì in hoa trên vải có từ 5000 năm trước ở Ai Cập cổ đại.

Trong sách cổ Hy Lạp thế kỷ thứ 4 trước công nguyên cũng có đề cập tới từ in, trong khi đó có tài liệu cho rằng nguồn gốc in lại bắt nguồn từ người Ấn Độ ở thế kỷ thứ 5 trước công nguyên.

Tại Pháp, người ta thấy các sản phẩm in trên vải có từ rất sớm, ở Nhật Bản từ xưa đã có mặt hàng vải in bằng phương pháp in dùng bản khắc gỗ.

Theo tài liệu Trung Quốc thì việc in ấn xuất hiện vào triều đại nhà Tống khoảng từ năm 618 tới 906, đó là phương pháp in bản khắc trên gỗ, nó được sử dụng in vải lụa. Vào giữa thế kỷ thứ 15, với sự phát minh ra kỹ thuật in nén của Jonhan Gutenberg dẫn tới sự thay đổi mạnh mẽ của ngành công nghiệp in và in vải.

Năm 1476 ở Anh, người thợ lành nghề William Caxton tạo ra một công nghệ in mới nổi tiếng lúc bấy giờ. Những thế kỷ 16- 17 về sau,

Ấn Độ lại trở thành những nhà cung cấp vải in hoa cho các nước châu Âu với các mặt hàng vải in hoa, xà rông, vải sọc vuông, vải thô, vải kaki và vải hoa sặc sỡ.

Cùng với trợ giúp của Grant, Thomas Bell đã phát minh ra cơ cấu in bằng bản gỗ vào năm 1760, in bằng bản đồng năm 1770 và rulô đồng 1797.

Thế kỷ thứ 18 công nghệ in vải hoa phát triển mạnh, ngày nay chúng ta còn thấy các mẫu vật của thế kỷ này được trưng bày tại Bảo tàng Toile de Jouy. Công nghệ in cũ tồn tại đến năm 1867 và nó được thay thế bởi kỹ thuật mới do James Keymer sáng chế sử dụng băng in.

Với việc cải tiến liên tục của công nghệ in, cho tới ngày nay kỹ thuật in số đã đưa việc in hoa trên vải trở thành một ngành công nghiệp hiện đại và phát triển đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Việc thiết kế vải in hoa càng ngày càng trở nên phong phú bởi sự phát triển khoa học kỹ thuật của thiết bị in và màu in. Trước đây người thiết kế vải hoa phải thiết kế ít màu, mảng đơn và nét cho phù hợp với kỹ thuật in màu đơn, nhưng ngày nay với công nghệ in phát triển thì người thiết kế có thể thoải mái sáng tạo ra những tác phẩm mà mình thích, đồng thời đáp ứng nhanh nhu cầu của khách hàng. Năm 1994 việc in thẳng từ máy tính lên bàn in rồi trục in vải trở thành phổ biến. Việc thiết kế mẫu vải trên máy tính trở thành thông dụng.

Các cách in vải trong lịch sử như sau:

1. Tạo mẫu và vẽ thẳng lên vải bằng bút (người Ấn Độ sử dụng tạo vải hoa).

2. In bằng phương pháp khắc bản gỗ, bản đồng (từ khoảng 1752, in bằng phẳng).

3. In trục đồng (1783).

4. In lưới phẳng (từ khoảng những năm 1920, sau này vào năm 1950 in bằng lưới phẳng tự động hoàn toàn).

5. In trục lưới quay (bắt đầu vào những năm 1950) Ơ Việt Nam ngành in chưa thực sự là một ngành công nghiệp, do vậy việc nghiên cứu về họa tiết in chưa mấy ai quan tâm, có chăng chỉ là những bài viết mang tính khuôn mẫu để giảng dạy trong nhà trường. Tính dân tộc và tính hiện đại chưa được đề cập đúng mức, nên hầu hết các sản phẩm in vải hoa của chúng ta là làm theo các mẫu có sẵn của nước ngoài như Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu… Chúng ta chưa có một trường hay một cơ quan chuyên trách cho việc thiết kế vải hoa, chỉ có các bài tập thiết kế rất sơ lược ở một số trường mỹ thuật.

Việc thiết kế vải hoa đòi hỏi người thiết kế phải là một họa sĩ chuyên nghiệp, có hiểu biết sâu rộng về thời trang, ngành dệt, am tường kỹ thuật in ấn và công nghệ hóa màu.


Chúng ta biết việc tạo một mẫu in phụ thuộc rất nhiều yếu tố: chất liệu vải in, đối tượng sử dụng, mục đích sử dụng, mùa sử dụng, vùng sử dụng… Nếu trên một loại vải thô chúng ta không thể tạo những họa tiết mảng chuyển từ đậm sang nhạt một cách tinh tế được và cũng không thể nào tạo những họa tiết ngộ nghĩnh trên vải thô nhám dùng cho trẻ nhỏ được. Hoặc không thể sử dụng những họa tiết cầu kì cho trẻ em dưới 7 tuổi được…

Chính vì thế người thiết kế mẫu in hoa phải có sự hiểu biết về ngành in, về thị hiếu, nhu cầu thẩm mỹ người tiêu dùng trong mỗi giai đoạn kết hợp nhuần nhuyễn giữa sáng tạo nghệ thuật với tính khoa học, giữa tính dân tộc và tính hiện đại. Phải đặt mình vào vai trò người tiêu dùng, nhưng cũng phải biết hướng người tiêu dùng tới một thị hiếu tốt. Song hành với sự phát triển của in hoa thiết kế mẫu cho in vải cũng ngày càng trở thành những tác phẩm độc lập mang sắc thái riêng.

Trần Hữu Quang
Nguồn: Tạp chí In & Truyền Thông số 07/2010

0
  Bài viết liên quan
  • No related posts found.